Thịt lợn là một trong những loại thực phẩm được tiêu thụ chính trên thế giới. Ngày nay, không chỉ đáp ứng yêu cầu về dinh dưỡng, sản phẩm thịt lợn còn phải hướng tới các mục tiêu đa dạng hơn về môi trường và sức khỏe cộng đồng, cũng như những đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành và xã hội.
Với dân số gần 100 triệu dân, quy mô thị trường có thói quen tiêu thụ thịt lợn trong hầu hết các bữa ăn, Việt Nam là một thị trường quan trọng của ngành hàng. Những năm gần đây, ngành chăn nuôi đang dần phát triển theo hướng hiện đại hơn, hoạt động phân phối tiêu thụ cũng đa dạng hóa từ các chợ truyền thống đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích, thậm chí chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm thịt lợn "sạch". Thương mại điện tử phát triển cũng trở thành một kênh quảng bá và cung cấp sản phẩm thịt lợn đến người tiêu dùng tại các khu vực đô thị lớn. Điều này đặt ra những bài toán mới về chuỗi cung ứng nói chung và logistics nói riêng cho ngành hàng thịt lợn tại Việt Nam. Từ các hoạt động logistics phục vụ chăn nuôi, tới việc chế biến, bảo quản, vận chuyển, giao hàng các sản phẩm thịt lợn ở các cấp độ khác nhau như tươi sống, thịt mát, thịt đông lạnh, thịt đã được chế biến đóng hộp...đều đòi hỏi các tiêu chuẩn khác nhau và sự nâng cấp đáng kể về chất lượng dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Với dự báo nhu cầu tiếp tục tăng trong thời gian tới, yêu cầu của người tiêu dùng đối với chất lượng, sự an toàn và tính đa dạng, tiện dụng của sản phẩm thịt lợn cũng sẽ ngày càng cao hơn. Đồng thời, hội nhập kinh tế mở cửa thị trường cũng đưa nguồn cung thịt lợn nhập khẩu từ nhiều thị trường trên thế giới vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm thịt được sản xuất nội địa.
Trong bối cảnh đó, để thích ứng và tồn tại trước áp lực cạnh tranh lớn cũng như những đòi hỏi ngày càng cao từ người tiêu dùng, việc tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến đã có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển chuỗi giá trị thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng là hết sức cần thiết đối với tất cả các bên liên quan trong ngành tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Iceland, Na Uy, Látvia, Đan Mạch, Đoàn doanh nghiệp nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch tới Việt Nam từ ngày 16-19/8/2022 với thành phần là các công ty hàng đầu trong các lĩnh vực giải pháp chăn nuôi và sản xuất thực phẩm, công nghệ chế biến thực phẩm, nguyên liệu và điều tiết nhiệt độ. Đây là những lĩnh vực quan trọng giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, thực phẩm theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững.
Mục đích chính của Đoàn là chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu những giải pháp hàng đầu đã được kiểm chứng trong sản xuất và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty của Việt Nam trong xây dựng, phát triển chuỗi giá trị thịt lợn.
Đoàn doanh nghiệp nông nghiệp, thực phẩm Đan mạch là một thành phần trong quan hệ hợp tác lâu dài giữa 2 quốc gia, nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi ngành nông nghiệp, thực phẩm theo hướng xanh và bền vững. Đây là những doanh nghiệp công nghệ thực phẩm và nguyên liệu trong nhóm các công ty hàng đầu thế giới ngày nay.
Ông Troels Vensild, Trưởng Bộ phận hợp tác quốc tế, Cục Thú y và Thực phẩm Đan Mạch, thông tin thêm về các công ty Đan Mạch là một trong những nhà sản xuất thực phẩm bền vững nhất thế giới. Hợp tác đối tác công tư là truyền thống hợp tác chặt chẽ lâu đời giữa các doanh nghiệp, học viện, viện nghiên cứu và các cơ quan chuyên môn tại Đan Mạch. "Hợp tác đối tác quan trọng với khu vực tư nhân trong các vai trò khác nhau, các công ty tư nhân Đan Mạch là chuyên gia trong việc tối ưu hóa các nguồn lực trong chuỗi sản xuất. Về phía các cơ quan nhà nước có trách nhiệm xây dựng hệ thống tổ chức nhà nước gắn kết, luật pháp đầy đủ, hệ thống giám sát và thanh kiểm tra hiệu quả", ông Troels Vensild chia sẻ.
Theo bà Sanne Høj Andrén, Tham tán về Nông nghiệp – Thực phẩm, Đại sứ quán Đan Mạch, năm 2015, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia Chương trình “Hợp tác chiến lược ngành về an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn” (SSC) do Đan Mạch khởi xướng. Đến nay, SSC đã thu hút sự tham gia của 18 quốc gia, 21 cơ quan nhà nước Đan Mạch, hiện đang thực hiện 40 dự án.
Chương trình SSC tại Việt Nam giai đoạn 1 từ tháng 2/2017 đến tháng 12/2019, kết quả đã hỗ trợ Cục Chăn nuôi đã xây dựng được dự thảo chương mới về quản lý thức ăn chăn nuôi cấp trang trại trong Luật Chăn Nuôi; Cục Thú y đã xây dựng dự thảo Thông tư mới về việc kê đơn thuốc thú y. Giai đoạn 2 triển khai từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2023, với các kết quả chính: Thông tư về việc kê đơn Thuốc Thú y được ban hành ngày 9/11/2020; Dự thảo Hướng dẫn thanh tra nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi; Thông tư về truy xuất và thu hồi được ban hành ngày 20/12/2021. Dự kiến giai đoạn 3 sẽ triển khai trong các năm 2024 – 2026, đề ra các nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng nghị định và thông tư luật và thi hành trong lĩnh vực thuốc thú y; Thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia mới về Chống Kháng thuốc; Truy xuất trong chuỗi giá trị thịt lợn…
Chia sẻ tại hội thảo, ông Troels Jakobsen, Tham tán Thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch, cho biết trong nhiều năm, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch đã không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi tiêu tốn ít nước và năng lượng hơn. “Ngày nay, chúng tôi sản xuất lượng lương thực nhiều hơn gấp ba lần lượng mà dân số Đan Mạch có thể tiêu thụ, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp nhất châu Âu. Các công ty và chuyên gia Đan Mạch rất sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng và công nghệ đổi mới với đối tác Việt Nam cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác và cùng kinh doanh hiệu quả, bền vững”, ông Troels Jakobsen tin tưởng.
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Iceland, Na Uy, Látvia, Đan Mạch
Hãy liên lạc với chúng tôi cho tất cả các nhu cầu của bạn.