Tin tức Ngành Logistics

TP. HCM có thu phí cảng biển từ tháng 7-2021?

Sở Giao thông Vận tải TP. HCM (Sở GTVT) cho biết việc triển khai thu phí hạ tầng cảng biển ở TP. HCM được đề ra nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách TP để hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối cảng biển trên địa bàn.

Cụ thể, đối với hàng nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu, mức phí là 2,2 triệu đồng/container 20 ft; 4,4 triệu đồng/container 40 ft và 50.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Đối với hàng xuất, nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP. HCM, mức phí là 500.000 đồng/container 20 ft; 1 triệu đồng/container 40 ft; và 30.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Đối với hàng xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TP. HCM, mức phí là 250.000 đồng/container 20 ft; 500.000 đồng/container 40 ft; và 15.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Chính sách thu phí áp dụng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.

Bên nộp phí sẽ không dùng tiền mặt mà nộp phí qua cổng dịch vụ 24/7 của ngân hàng thương mại.

Đơn vị thực hiện thu phí là Cảng vụ đường thủy nội địa (thuộc Sở GTVT). Sở GTVT, Cục Hải quan TP và doanh nghiệp quản lý bến cảng có trách nhiệm phối hợp, tổ chức thu, kiểm tra, giám sát việc nộp phí.

Cảng biển là nơi tổng hợp đầu mối khu vực loại 1 - đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải hàng hóa của khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, gồm 4 cảng chính: Khu bến cảng Cát Lái (sông Đồng Nai), Khu bến cảng Nhà Bè (sông Nhà Bè), Khu bến cảng trên sông Sài Gòn, Khu bến cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp).

Bốn khu cảng này được đánh giá có sản lượng hàng hóa lưu thông qua các bến cảng cao nhất nước ta. Chỉ tính riêng khu cảng Cát Lái, thuộc nhóm khoảng 20 cảng biển lớn nhất thế giới, đã đảm nhận 33% khối lượng hàng container xuất nhập khẩu của cả nước.

Ở một diễn biến khác, mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ phản ánh kiến nghị của DN về những bất cập trong việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM (dự kiến áp dụng từ 1/7/2021) và tại Hải Phòng.

Những phản ánh kiến nghị liên quan vấn đề này đã được Ban IV báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2020 và đã được Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan xem xét, xử lý.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu UBND TP Hải Phòng phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xem xét, xử lý kiến nghị về thu phí hạ tầng cảng biển theo thẩm quyền, phù hợp với quy định pháp luật phí, lệ phí và tạo thuận lợi cho DN.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu TPHCM và Hải Phòng rà soát việc thu phí đảm bảo đúng các quy định của Luật phí. Đến nay, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản trả lời, tuy nhiên vẫn theo hướng giải thích sự hợp lý của mức phí đang thu. Riêng TPHCM vẫn chưa có phản hồi gì sau ý kiến của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Trong bối cảnh thời hạn dự kiến áp dụng quy định thu phí tại TPHCM đang cận kề (ngày 1/7/2021), cộng động DN, đặc biệt là các DN, Hiệp hội XNK khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo UBND TPHCM rà soát, làm rõ tính cấp thiết của việc thu phí ở thời điểm này so với chủ trương hỗ trợ DN; đồng thời, minh bạch phương án xây dựng mức phí và thời gian thu phí so với tổng mức đầu tư các hạ tầng liên quan để tránh tình trạng phí chồng phí.

Theo các DN, cơ sở thu phí và mức thu phí tại Nghị quyết của HĐND TPHCM chưa rõ ràng theo đúng quy định của pháp luật về phí.

Theo các DN, Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND TPHCM về mức thu phí sử dụng công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM có những điểm chưa phù hợp, gây ra sự bất bình đẳng cho đối tượng nộp phí, khi có sự chênh lệch (gấp đôi) về mức nộp phí giữa DN mở tờ khai hải quan tại TPHCM và DN mở tờ khai ngoài TPHCM.

Đồng thời, Nghị quyết và Đề án thu phí liên quan cũng chưa cung cấp thông tin thỏa đáng cho DN về căn cứ tính phí như: danh mục hạ tầng mà Thành phố đã đầu tư để đưa vào tính toán mức phí này (để làm rõ có trùng lặp, chồng chéo về phí hay không với các hạ tầng giao thông đã thu phí đường bộ, phí cầu đường...), tổng mức đầu tư các hạ tầng này (để làm rõ mức thu có đúng quy định Luật phí là bù đắp một phần chi phí đã bỏ ra đầu tư hay không,...) và thời gian dự kiến thu...

Các DN cũng cho rằng, thời điểm áp dụng chưa phù hợp với tình hình thực tế. Do tác động kéo dài của dịch Covid-19 nên các DN đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, vận hành các chuỗi cung ứng, việc thu phí này vì thế đi ngược với chủ trương hỗ trợ DN mà Chính phủ đang rất nỗ lực, và làm ảnh hưởng tới động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN.

Do đó, các DN đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các UBND TPTHCM và Hải Phòng xem xét không thu phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn DN còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, ít nhất đến cuối năm 2021; làm rõ tính hợp lý của mức thu và thời gian thu so với tổng mức đầu tư các hạ tầng liên quan (không bao gồm các hạ tầng đã thu các phí khác). Đồng thời, rà soát và loại bỏ các quy định đang vi phạm tinh thần Luật Phí.
 
 
VITIC tổng hợp

Nguồn: Logistics.gov.vn

Hãy liên lạc với chúng tôi cho tất cả các nhu cầu của bạn.