Tin tức Ngành Logistics

Thúc đẩy dịch vụ logistics ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Ðể nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế của địa phương và liên vùng, TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược để phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn.

Nâng tỷ trọng đóng góp của logistics

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, qua phân tích, đối chiếu 17 dịch vụ chi tiết thuộc nhóm "dịch vụ logistics" cho thấy: Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh năm 2018 đạt 12%, năm 2019 đạt 14,7%; tỷ trọng đóng góp của logistics vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 ước đạt 8,3%, năm 2019 ước đạt xấp xỉ 8,7%. Trong đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 đến 15%.

Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, một trong bốn khâu đột phá thời gian tới là chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm chính là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics. Cùng với nhiều lợi thế về đường bộ, đường sông, cảng biển và thời gian tới khi sân bay quốc tế Long Thành đưa vào hoạt động, Ðồng Nai phấn đấu trở thành trung tâm logistics của khu vực. Tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 20 đến 25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP từ 10 đến 15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 35%. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, đối với hệ thống giao thông, tỉnh đang tập trung chuẩn bị khởi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong đó có nhánh kết nối xuống cụm cảng. Ðây là dự án trọng điểm giảm quá tải cho quốc lộ 51. Dự kiến, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án có tổng mức đầu tư khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Tiếp đến là khởi công xây dựng cầu Phước An kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung cơ cấu nguồn vốn đầu tư hệ thống đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nhằm tạo thêm một phương thức vận tải mới kết nối với hệ thống cảng…

Chủ tịch Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Vũ cho biết: Trước mắt, tỉnh đầu tư cải tạo, mở rộng cũng như đầu từ những tuyến mới về giao thông đường bộ như: Mở rộng quốc lộ 13, đầu tư tuyến đường từ Tân Vạn - Mỹ Phước kết nối với Bàu Bàng, kết nối với đường Hồ Chí Minh. Ðầu tư nâng cấp mở rộng các đường tỉnh DT 743, DT 746, DT 747, cũng như đầu tư từng đoạn tuyến đường vành đai 4 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Những tuyến giao thông huyết mạch này kết nối hiệu quả các trung tâm logistics tại tỉnh đến cảng, sân bay theo phương châm "Ðưa cảng đến gần DN để phục vụ tận tay".

Cảng Cát Lái- Tp. HCM

Tăng tính kết nối hạ tầng giao thông - công nghệ

Theo các chuyên gia, để ngành logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng cần tạo được sự liên kết chặt chẽ về kết nối hạ tầng giao thông, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước, đầu tư các cụm cảng hiện đại. TS Nguyễn Ngọc Hiếu, giảng viên Trường đại học Việt Ðức (Bình Dương) đề xuất: Chúng ta cần bố trí không gian cho các nhu cầu phát triển mới, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống phân phối dịch vụ logistics 4.0. Ðây là tiền đề quan trọng bảo đảm hiệu quả tính kết nối trong các khu vực chiến lược như sân bay, cảng biển, kết nối cả đường sắt, đường thủy, đường bộ và hàng không để hàng hóa được lưu thông thông suốt. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong tổ chức quản lý, khai thác hạ tầng giao thông, nhất là các cảng nhằm giảm thời gian phương tiện chờ giao nhận hàng hóa tại các cảng, cũng như tránh tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường ra vào cảng.

PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, một thành phố phát triển cần có ba đột phá, đó là thể chế, hạ tầng và nhân lực. Trong đó, đột phá hạ tầng giao thông là quan trọng nhất. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả vùng Ðông Nam Bộ nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các DN. Vì vậy, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp thì không nên đầu tư dàn trải nhiều dự án mà nên ưu tiên xây dựng trước các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, hay các dự án kết nối cửa ngõ với 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ và vùng Ðông Nam Bộ, các tuyến đường vào các cảng biển,… Tương tự, TS Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Cảng quốc tế Long An chia sẻ, cảng Long An với bảy cầu cảng được đầu tư theo chủ trương phát triển đầu tư hạ tầng của Chính phủ, hiện đã có khả năng tiếp nhận tàu từ 50 đến 70 nghìn tấn. Tuy nhiên, thực tế luồng kênh rạch chính chung quanh lại chưa đón được tàu 30 nghìn tấn. Do vậy, để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch để thu hút sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics như: Ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp, quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ gắn với quy hoạch chung, các mục tiêu phát triển của địa phương và cả vùng kinh tế,…

Một chuyên gia trong lĩnh vực logistics cũng nhận định, nếu Bà Rịa - Vũng Tàu không đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các cảng cạn, cải thiện thủ tục xuất - nhập khẩu, thông quan hải quan, kiểm dịch hàng hóa và hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa cảng và hậu phương sau cảng,… thì mục tiêu xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm logistics của cả khu vực sẽ khó có thể hoàn thành. Ðáng chú ý, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cũng đang là rào cản khiến cho hoạt động này chưa thật sự phát triển. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng tổng hợp Thị Vải Dương Thanh Khang cho biết, việc tuyển dụng nhân sự tại Bà Rịa - Vũng Tàu không đáp ứng được, buộc DN phải tuyển dụng từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.Do đó, hằng tháng công ty phải mất thêm một khoản chi phí khá lớn cho nhân viên đi lại làm việc. Ðể tạo động lực cho ngành dịch vụ logistics phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong nước, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp đề xuất: Các đơn vị liên quan phải có các giải pháp tiếp cận tổng thể; trong đó, chú trọng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics (xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế); đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ phát triển thị trường dịch vụ logistics,… Ðồng thời, các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cần có chính sách hỗ trợ để dịch vụ logistics phát triển, có đủ sức cạnh tranh và phát huy cao nhất lợi thế vị trí địa lý chiến lược của vùng.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, để tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của DN trên địa bàn đến năm 2025 đạt 15%, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, thành phố xây dựng và đề xuất Trung ương một số cơ chế chính sách, chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực cho logistics. Trong đó, kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương xây dựng tiêu chí phân cấp trung tâm logistics hạng I, II; dành quỹ đất xây dựng các trung tâm logistics mới nhằm thực hiện Quyết định 1012/2015/QÐ-TTg ngày 3-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. TP Hồ Chí Minh sẽ thúc đẩy tiến độ xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai; đường cao tốc nhằm kết nối thành phố với các tỉnh, thành phố phía nam. TP Hồ Chí Minh cũng nghiên cứu mô hình quản lý trung tâm logistics bảo đảm tạo môi trường thông thoáng thu hút nhà đầu tư; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gồm sản xuất pa-let, bao bì thân thiện môi trường; lựa chọn vị trí xây dựng trung tâm logistics xuất nhập khẩu và trung tâm logistics phục vụ hàng trong nước, hàng thương mại điện tử (e-commerce); hình thành trung tâm nghiên cứu, tư vấn ứng dụng công nghệ hiện đại cho ngành logistics…

Với vai trò "nhạc trưởng" của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, để đưa logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, TP Hồ Chí Minh và các địa phương cần nhanh chóng "chuyển mình", chú trọng thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược như đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng cảng hàng không, cảng biển, đường sắt; thực hiện giải pháp phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp chương trình chuyển đổi số để logistics thật sự phát huy thế mạnh, đóng góp lớn vào cơ cấu phát triển kinh tế cho vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Tổng hợp
Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4-2-2021.

Nguồn: logistics.gov.vn

Hãy liên lạc với chúng tôi cho tất cả các nhu cầu của bạn.