Tin tức Ngành Logistics

Chuỗi cung ứng lạnh: Thị trường tỷ đô còn bỏ ngỏ

Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor Internationalnăm 2019chỉ tính riêng thị trường thực phẩm cần vận chuyển lạnh (chưa kể mảng thủy sản) tại Việt Nam ước đạt giá trị 1,2 tỷ USD. Nếu tính luôn các loại dược phẩm chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lạnh, quy mô thị trường này có thể lên đến gần 10 tỷ USD vào năm 2020.

Chuỗi cung ứng lạnh được hiểu là các chuỗi cung ứng có khả năng kiểm soát và duy trì nhiệt độ, thích hợp với các loại hàng hóa nhạy cảm với nhiệt độ cao, có nhu cầu bảo quản ở nhiệt độ thấp để giữ chất lượng và kéo dài tuổi thọ như rau củ quả tươi, hoa tươi, thủy hải sản, hàng đông lạnh chế biến, dược phẩm…Có thể nhận thấy một số tác nhân chính đã tác động trực tiếp đến nhu cầu về chuỗi cung ứng lạnh trên thế giới, đó là tiến trình toàn cầu hóa đã thúc đẩy hoạt động thương mại và nhu cầy vận chuyển hàng hóa đi xa hơn, từ vùng này sang vùng khác, quốc gia này sang quốc gia khác, trong đó có những mặt hàng khó bảo quản. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm và dược phẩm, đòi hỏi quy trình bảo quản, vận chuyển khắt khe hơn, đảm bảo vệ sinh. Mặt khác, có thể thấy rằng, chuỗi cung ứng lạnh là một giải pháp cần thiết đối với ngành logistics, giúp ngành này hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Theo thống kê, trong hai thập niên trở lại đây, các quốc gia có tốc độ tăng trưởng chuỗi lạnh nhanh nhất là Pháp, Đức, Phần Lan, Tây Ban Nha và Brazil, cũng là các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững hoặc có các ngành nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Tại Việt Nam, thị trường chuỗi cung ứng lạnh được đánh giá là mới chỉ đáp ứng 1 phần rất nhỏ nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất, các nhà bán lẻ, kinh doanh. Theo các nghiên cứu gần đây, chỉ hơn 8% các nhà sản xuất, phân phối cho thị trường nội địa áp dụng chuỗi cung ứng lạnh để bảo quản hàng hóa, và đây cũng có thể được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỉ lệ hư hỏng nông sản sau thu hoạch ở Việt Nam khá cao, chiếm đến 25,4% tổng sản lượng. Đối với thị trường xuất khẩu, các nhà sản xuất và phân phối cũng thường chịu nhiều tác động từ các yếu tố khách quan làm kéo dài quá trình đưa sản phẩm đến tay khách hàng, nhu cầu về chuỗi cung ứng lạnh không ngừng gia tăng theo quy mô sản xuất. Năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19 các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu thủy hải sản đã gặp nhiều khó khăn khi hàng tồn liên tục tăng lên trong khi hệ thống kho lạnh không đủ đáp ứng. Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp sản xuất chế biến thủy hải sản có định hướng đầu tư kho lạnh để phục vụ sản xuất; tuy nhiên chỉ rất ít những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, nguồn vốn đối ứng dồi dào mới có định hướng này, đa phần các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn vẫn có nhu cầu sử dụng chuỗi cung ứng lạnh dịch vụ, vốn đang thiếu hụt trầm trọng tại Việt Nam.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy Việt Nam (VASEP) nhận định “Hệ thống kho lạnh là một mắt xích cốt lõi đối với cả chuỗi sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam”. Nhìn rộng hơn, các ngành hàng nông sản, thực phẩm, dược phẩm…cũng có nhu cầu rất lớn, tạo thành thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ trong hệ thống logistics hiện nay. Tuy nhiên, việc đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh cũng là một thách thức lớn vì đây là ngành có chi phí đầu tư cao, đặc biệt khi xây dựng hệ thống khép kín từ kho chứa đến phương tiện vận chuyển. Thêm vào đó, những đòi hỏi về trình độ khoa học công nghệ của các bên tham gia cũng là một rào cản lớn. Vì vậy, để đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình nguồn nội lực vững vàng, cùng với sự đồng hành và hỗ trợ của nhà nước, không chỉ để khai thác hiệu quả thị trường tỷ đô này, mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, thương mại của Việt Nam ngày càng phát triển.

Nguồn: SCT.dongthap.gov.vn

Hãy liên lạc với chúng tôi cho tất cả các nhu cầu của bạn.